Xã hội ngày càng phát triển, với xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 đem lại lợi ích vô cùng to lớn đối với mỗi người trong cuộc sống nói chung cũng như giáo dục nói riêng. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, giáo dục là lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số thứ hai sau Y tế. Điều này cho thấy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng, không chỉ đối với ngành mà còn tác động rất lớn đối với đất nước. Để tiến hành chuyển đổi số trong giáo dục thành công cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó xây dựng Thư viện số là một giải pháp rất quan trọng.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện là việc áp dụng công nghệ thông tin xây dựng phát triển nền tảng số, đồng thời tích hợp, kết nối liên thông chia sẻ cơ sở dữ liệu mọi lúc mọi nơi. Đối với trường học, việc chuyển đổi số thư viện không chỉ giúp học sinh, giáo viên tiếp cận với xu thế công nghệ mới mà còn tạo môi trường đọc, tiếp nhận thông tin nhanh, thông minh, tiện lợi hơn.
Hải Phòng là một trong số những tỉnh thành áp dụng rộng rãi mô hình Thư viện số trong nhà trường. Nhiều trường học trên địa bàn thành phố được đầu tư trang bị hệ thống Thư viện số hiện đại, trong đó phải kể đến trường THCS Lạc Viên. Ban giám hiệu nhà trường xác định rõ, chuyển đổi số Thư viện là yếu tố tiên quyết để xây dựng trường học số, hiện đại, tiên tiến, chất lượng cao theo Nghị quyết số 06-NQ/QU ngày 15 tháng 11 năm 2023 của Ban thường vụ Quận uỷ về “Phát triển giáo dục và đào tạo Quận Ngô Quyền giai đoạn 2023 – 2030, định hướng đến năm 2045”. Nhờ xây dựng và phát triển mô hình Thư viện số, cán bộ, giáo viên trường THCS Lạc Viên đã tích cực chuyển đổi số hơn trong giảng dạy. Đây là một mô hình được triển khai thiết thực, hiệu quả.
Để thực hiện chuyển đổi số Thư viện, ngay từ cuối năm học 2021 – 2022, Ban giám hiệu trường THCS Lạc Viên đã xác định rõ những nhiệm vụ cần triển khai để xây dựng mô hình thư viện số trong trường học như sau:
STT
|
Nhiệm vụ
|
Cách thức thực hiện
|
Người thực hiện
|
1
|
Nghiên cứu và phân tích mô hình
|
- Phân tích ưu điểm, hạn chế của các phần mềm thư viện số hiện có.
- Trao đổi với các nhà cung cấp hệ thống Thư viện số.
|
Ban giám hiệu, cán bộ thông tin thư viện.
|
2
|
Tạo lập hệ thống
|
- Lựa chọn hệ thống Thư viện số phù hợp với đặc điểm của nhà trường.
|
Ban giám hiệu, cán bộ thông tin thư viện, công ty công nghệ
|
3
|
Xây dựng nguồn tài nguyên
|
- Tài liệu số trên Thư viện có thể khai thác từ các nguồn:
+ Số hoá: Chuyển các tài liệu đã có dạng truyền thống sang dạng số (chụp ảnh/quét tài liệu sang định dạng PDF).
+ Bổ sung: Tìm kiếm trên Internet các đầu sách online miễn phí.
+ Các nguồn khác: học sinh đề xuất, sản phẩm từ các cuộc thi đọc sách của học sinh, bài giảng điện tử của giáo viên, …
- Việc cập nhật tài nguyên diễn ra thường xuyên trong năm học.
|
Ban giám hiệu, cán bộ thông tin thư viện, chi đoàn giáo viên, giáo viên và học sinh
|
4
|
Khởi chạy hệ thống
|
- Cung cấp tài khoản để giáo viên và học sinh đăng nhập
|
Ban giám hiệu, cán bộ thông tin thư viện, GVCN, học sinh
|
5
|
Kiểm duyệt nội dung đăng tải
|
Kiểm duyệt video dự thi các cuộc thi đọc sách; bài giảng điện tử, E-learning, … của giáo viên; phản hồi sau khi đọc của học sinh, …
|
Ban giám hiệu, cán bộ thông tin thư viện, tổ trưởng chuyên môn
|
Trường THCS Lạc Viên ra mắt mô hình Thư viện số
Các loại sách truyện, sách kĩ năng sống, … trên Thư viện số
Sách nói trên Thư viện số
Ngoài những nhiệm vụ cơ bản kể trên, để mô hình Thư viện số đi vào hoạt động hiệu quả, lan toả rộng rãi đến giáo viên, học sinh trong trường, BGH trường THCS Lạc Viên đã tiến hành một giải pháp như sau:
* Tổ chức cuộc thi Book review – Cuốn sách em yêu
Cuộc thi Book review là cuộc thi giới thiệu sách online, được nhà trường tổ chức vào tháng 4 hằng năm nhằm hưởng ứng Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam; đồng thời bồi đắp, khích lên tinh thần đọc sách, tình yêu văn chương của học sinh. Cuộc thi không giới hạn số lượng học sinh tham gia và số lượng sản phẩm dự thi. Học sinh các khối lớp được tự do lựa chọn cuốn sách/truyện mình yêu thích, theo các đề tài như tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước, tình bạn, sách kĩ năng sống, sách tham khảo, truyện tranh, … Các em sẽ quay video giới thiệu cuốn sách yêu thích và tâm đắc, gửi link video dự thi cho BTC, cán bộ thư viện và Chi đoàn giáo viên sẽ tổng hợp, kiểm duyệt nội dung, đăng tải công khai lên cơ sở dữ liệu Thư viện số của trường. Nhà trường xếp giải dựa trên việc học sinh và giáo viên truy cập vào trang Thư viện số, xem, bình chọn cho video mình yêu thích nhất. Cuộc thi Book review đã được triển khai 3 năm học, số lượng video dự thi và hợp lệ được đăng tải lên hệ thống Thư viện số tăng nhanh qua các năm. Theo đó, BGH nhà trường cũng có những món quà kịp thời khích lệ, động viên tinh thần của các em học sinh.
Năm học
|
Số lượng sản phẩm dự thi
|
Số lượng sản phẩm hợp lệ được đăng tải
|
2021 - 2022
|
205
|
200
|
2022 - 2023
|
367
|
359
|
2023 - 2024
|
498
|
482
|
Quyết định khen thưởng các lớp có thành tích xuất sắc trong Hội thi kể chuyện theo sách
Học sinh chia sẻ cảm nghĩ sau khi đọc sách
Dựa trên cuốn sách học sinh giới thiệu, cán bộ thư viện và Chi đoàn giáo viên sẽ cập nhật những đầu sách mà kho tài nguyên chưa có để học sinh và giáo viên có thể tìm đọc và trao đổi về cuốn sách đó trên mục Bình luận của hệ thống. Qua các năm học, số lượng video dự thi của học sinh ngày càng tăng, góp phần làm phong phú thêm kho tài nguyên Thư viện số của trường. Những video giới thiệu sách ấy sẽ được lưu trữ vĩnh viễn trên hệ thống, trở thành nguồn tham khảo tin cậy của bạn đọc trong toàn trường.
* Xây dựng kho học liệu điện tử phong phú
Chương trình GDPT 2018 là một chương trình giáo dục mở, đòi hỏi giáo viên không ngừng đổi mới, sáng tạo, tích cực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ; học sinh phải có năng lực tự học, tự tìm tòi, khám phá kiến thức ngoài SGK và chương trình chính khoá. Vì vậy, Thư viện số trở thành một kênh tham khảo tài liệu hữu ích và không thể thiếu. Nhận thức rõ điều đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Đỗ Mai Hương – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường; đồng chí Nguyễn Huy Quý – Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, hệ thống Thư viện số được đăng tải đầy đủ SGK và Sách bổ trợ cửa các nhà xuất bản như bộ sách Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo. Bên cạnh đó, cán bộ thư viện liên tục cập nhật các đầu sách tham khảo hàng tháng, từ Toán học, Văn học, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, … Tính đến thời điểm hiện tại, kho học liệu của nhà trường đã có đến hơn 300 đầu sách phục vụ cho dạy và học. Thay vì tìm mua các cuốn sách tại cửa hàng gây tốn kém và mất thời gian khi lựa chọn, giờ đây, giáo viên và học sinh nhà trường chỉ cần truy cập vào hệ thống tìm kiếm loại sách cần thiết, vừa thuận tiện lại tiết kiệm nhiều chi phí.
Hệ thống Sách tham khảo trên Thư viện số
Đặc biệt, các đồng chí trong BGH nhà trường còn tận dụng tối đa tính năng của Thư viện số, xem đó là một kênh để phục vụ cho công tác dạy - học của GV và HS. Từ đó, các bài giảng điện tử, E-learning, video hệ thống kiến thức cơ bản các môn học, … được giáo viên bộ môn cập nhật liên tục, tạo ra nguồn học liệu điện tử phong phú. Học sinh có thể truy cập bất cứ khi nào để ôn tập lại kiến thức. Bài giảng được sắp xếp khoa học theo khối lớp, môn học để học sinh dễ dàng tìm kiếm. Việc giao bài và làm bài tập về nhà của học sinh cũng được thực hiện ngay trên hệ thống. Bài tập trên Thư viện số là những đường link trò chơi sinh động được giáo viên tạo trên các ứng dụng Quizzi, Kahoot, Blocket, Wordwall, … với hình thức chơi phong phú, đa dạng. Thao tác truy cập Thư viện số để đọc sách và làm bài tập của học sinh sẽ được hệ thống ghi lại, cuối tháng, cán bộ thư viện sẽ tổng kết số lượng lượt truy cập, BGH nhà trường sẽ khen thưởng học sinh tương tác tích cực trên hệ thống trong tiết sinh hoạt dưới cờ.
Một số bài giảng điện tử, E-learning trên Thư viện số
Việc thực hiện mô hình Thư viện số trong trường học của trường THCS Lạc Viên đem đến nhiều lợi ích cho giáo viên, học sinh và nhà trường. Cụ thể như sau:
* Đối với giáo viên và học sinh: Thư viện số tiện lợi và linh hoạt (HS mượn/trả sách online, khai thác kho sách điện tử ở bất cứ nơi đâu thông qua thiết bị điện tử thông minh hoặc máy tính), có thể đề xuất đóng góp thêm vào kho thư viện số và thư viện của nhà trường. Bên cạnh đó, giáo viên và học sinh có thể truy cập vào các tài liệu trực tuyến từ bất kỳ đâu và bất kỳ khi nào, chỉ với một thiết bị thông minh có kết nối Internet. Ngoài ra mỗi học sinh và giáo viên sẽ có tài khoản để đăng nhập và tìm kiếm nhiều nguồn sách trên trang Thư viện số này. Giáo viên và học sinh có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin theo nhiều tiêu chí khác nhau, bao gồm tên tác giả, từ khóa, chủ đề và thời gian xuất bản. Điều này giúp tiết kiệm thời gian trong việc tìm kiếm tài liệu.
* Đối với nhà trường: Mô hình Thư viện số giúp nhà trường tiết kiệm không gian và tài nguyên, tăng tương tác và kết nối, nắm được hệ thống sách, học liệu điện tử; quản lí tình hình mượn/trả sách kịp thời; tiết kiệm thời gian, giản tiện sổ sách cho cán bộ thông tin thư viện.
Với triết lý “một điểm đến cho tất cả”, mô hình thư viện số của trường THCS Lạc Viên đã giúp các em học sinh ở nhiều trình độ, lứa tuổi khác nhau đều có thể tiếp cận kho thông tin kiến thức của thư viện. Hơn nữa, thông qua mô hình thư viện số, Chi đoàn giáo viên có thể thống kê được số lượt đọc của các em học sinh trong từng ngày, từng tuần và từng tháng; lập số liệu báo cáo Ban giám hiệu. Qua đó, Ban giám hiệu nhà trường có thể dễ dàng nắm bắt được phong trào văn hoá đọc của các em học sinh. Giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy "Siêng xem sách và xem được nhiều sách là một việc cần thiết, bởi sách có thể giúp chúng ta bổ trợ kiến thức và hoàn thiện nhân cách". Vì vậy, việc xây dựng và phát triển mô hình Thư viện số của trường THCS Lạc Viên là kịp thời, hiệu quả, tạo sức lan toả lớn không chỉ đối với giáo viên, học sinh trong trường nói riêng mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục quận Ngô Quyền nói chung.